Email: sales@welcomevietnamtours.com
Hotline: 0987 31 8899

Du lịch trong nước

7 làng nghề truyền thống lâu đời ở Quảng Bình


Quảng Bình mang nét đặc trưng của khu vực Bắc Trung bộ, là vùng có nhiều dân tộc cư trú nên truyền thống văn hoá khá phong phú và đa dạng. Vùng đất nơi đây cũng có nhiều làng nghề truyền thống đặc trưng cũng như có nhiều nét văn hóa giống với mọi miền trong cả nước. Hãy cùng tìm hiểu 7 làng nghề truyền thống lâu đời ở Quảng Bình dưới đây nhé.

 

1. Làng chiếu cói An Xá (Lệ Thủy)
Làng An Xá là quê hương của đại tướng Võ Nguyên Giáp, nằm ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình từ bao đời nay đẫ nổi tiếng với nghề sản xuất chiếu cói truyền thống. Nghề làm chiếu cói xuất hiện tại An Xá cách đây khoảng trên 600 năm về trước. Người dân làng trước đây chủ yếu là làm ruộng, vào buổi nông nhàn thì chính nghề dệt chiếu cói đã giúp cho làng An Xá hằng năm lại thêm màu ngói mới.

du lịch làng nghề quảng bình

Cả làng hiện tại có khoảng 80 hộ giữ nghề truyền thống, 100% trong số đó vẫn sử dụng phương pháp thử công để sản xuất chiếu cói.Để cho ra một manh chiếu hoàn thiện thì phải trải qua rất nhiều công đoạn và không ít nhọc nhằn. Người làng vẫn thường quen với việc 5 năm trồng một lứa cói, mỗi năm bứt cói 2 lần, rồi thì phân loại, chẻ, phơi hong... Tiếp đó đưa vào khung dệt mới ra được sản phẩm cuối cùng. Qua bàn tay chai sần nhưng khéo léo của bao thế hệ nối tiếp nhau ở làng quê này, những tấm chiếu mộc mạc nhưng cũng không kém phần tinh xảo đã ra đời. Mặc dù hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nhưng nghề sản xuất chiếu cói An Xá vẫn tồn tại với thời gian, bởi người dân nơi đây yêu thích và luôn có ý thức lưu giữ nghề mà cha ông mình đã chọn.

2. Làng nón lá Quy Hậu
Làng Quy Hậu là làng chằm nón lá nổi danh của vùng đất chiêm trũng Lệ Thủy, Quảng Bình, nơi đây có nghề làm nón rất phát triển và thịnh vượng đặc biệt trong những năm đầu thế kỷ 20. Nón Quy Hậu không được thanh mảnh, nhẹ nhàng, nhưng nó có vẻ đẹp riêng: chắc chắn, sắc sảo, thanh lịch, khỏe khoắn, ẩn dấu trong mình một vẻ đẹp bền chắc, có tuổi thọ gấp đôi nón ở nhiều nơi khác.

làng nón quy hậu

Để làm được một chiếc nón đẹp, nhẹ, bền đòi hỏi sự khéo tay, đam mê của những người làm nón. Ở mỗi công đoạn đều có sự chuyên môn hóa cao. Nón lá Quy Hậu dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng ngày nay vẫn nổi tiếng vì bền và đẹp. Ngày nay cùng với sự phát triển du lịch, những sản phẩm nón không còn đơn sơ như ngày nào, mà đã khoác lên mình những đường vẽ, nét thêu miêu tả hình ảnh, văn hóa, con người Quảng Bình.

3. Làng nón Thổ Ngọa
Thổ Ngọa nằm ở phường Quảng Thuận, TX Ba Đồn là mảnh đất có bề dày văn hóa, lịch sử có gần 40% số hộ dân tham gia vào nghề truyền thống làm nón. Tuy là nghề phụ nhưn nghề làm nón nơi đây rất phát triển, mang lại cho người dân nguồn thu nhập khá ổn định.

làng nón thổ ngọa

Sản phẩm nón lá Thổ Ngọa được xem như một thứ phục trang luôn gắn bó với người phụ nữ. Nón Thổ Ngọa luôn được cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng nhằm hướng tới mục đích làm đẹp và tăng vẻ duyên dáng của người phụ nữ. Đã hàng trăm năm nghề nón truyền thống gắn bó thiết thân với đời sống của người dân Thổ Ngọa, nên dẫu hôm nay, những phường làm nón không còn rộn rã như thuở trước, thì nghề nón vẫn làm nên nét đặc trưng riêng có của mảnh đất này.

4. Làng nghề rèn đúc Mai Hồng
Làng nghề Mai Hồng thuộc thôn 8 xã Đồng Trạch , huyện Bố Trạch từ lâu đã nổi tiếng với nghề rèn truyền thống. Từ những năm giữa thế kỷ 20, nghề rèn đúc ở đây đã được xây dựng và phát triển với loại hình sản xuất kinh doanh hợp tác xã.

làng rèn đúc mai hồng

Hiện tại, người dân nơi đây đã mạnh dạn áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất, từng bước cơ khí hoá nghề rèn truyền thống để tăng năng suất lao động. Nhiều hộ đã tự trang bị máy cán thép, máy mài, máy đột dập, máy búa, cắt... Từ chỗ chỉ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp thì nay sản phẩm đã đa dạng hóa theo nhu cầu thị trường,  và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường tính chính xác của sản phẩm, tiết kiệm chi phí lao động, tăng doanh thu và lợi nhuận. Vượt qua những thăng trầm của thời gian, làng nghề Mai Hồng ngày nay vẫn giữ được ngọn lửa đúc rèn. 

5. Làng nghề đan lát mây tre Thọ Đơn
Làng Thọ Đơn nằm ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xưa nay được biết đến bởi những sản phẩm đan lát làm từ vật liệu mây tre nứa. nghề đan lát xuất hiện ở Thọ Đơn gần 400 năm trước. Trải qua hàng chục năm với nhiều thay đổi, nhất là của cơ chế kinh tế thị trường, nhưng làng nghề vẫn đứng vững và phát triển.

mây tre đan Thọ Đơn

Từ những nan tre, thanh nứa rất đỗi gần gũi qua đôi bàn tay chai sần vì cầm cuốc, cầm cày, quanh năm quen việc đồng áng của người dân nơi đây đã cho ra đời những sản phẩm hữu ích, phục vụ cho đời sống.Trước đây, sản phẩm chính của làng Thọ Đơn chủ yếu là nong nia, thúng, mủng... phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nay, nắm bắt nhu cầu thị trường, làng Thọ Đơn đã tạo sự chuyển biến mới bằng cách tạo ra được nhiều sản phẩm dùng trong sản xuất ngư nghiệp. Với tay nghề cao, sản phẩm của làng nghề Thọ Đơn đều bán rất chạy trong và ngoài tỉnh, được nhiều khách hàng tín nhiệm.

Tham khảo Kinh nghiệm du lịch Quảng Bình



6. Làng bánh tráng Tân An
Làng nghề bánh tráng Tân An nằm ở Xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, có truyền thống làm bánh tráng khoảng hơn 100 năm. Trước đây làng bánh tráng Tân An vừa làm bánh tráng, bánh ướt, bún và cả bánh chưng. Nhưng sau thời gian dài đã chuyển hẳn sang làm bánh tráng.

làng bánh tráng tân an

Và sản phẩm đặc biệt nhất của làng là bánh tráng mè xá. Với chất liệu chính là bột gạo thông thường nhưng bằng sự tỉ mỉ, cần cù người dân của làng nghề bánh tráng Tân An đã tạo ra một loại bánh tráng mang đậm nét đặc trưng riêng, được khắp nơi ưa chuộng. Bánh tráng Tân An được làm với 100% bột gạo và không sử dụng hóa chất nên có hương vị đặc trưng, độ mặn vừa phải tạo cho bánh độ mềm, dẻo, cuốn với tôm, thịt, rau, bún, chấm nước mắm chua ngọt hay mắm nêm đều rất ngon. Bánh tráng Tân An không chỉ mang hương vị đậm đà, dân dã của gạo, của vừng, mà kết tinh trong đó là cả tình yêu và niềm tự hào của một miền quê. 

7. Làng nghề nước mắm Cảnh Dương
Cảnh Dương là một xã ven biển trù phú của huyện Quảng Trạch với cảnh quan thơ mộng, nơi đây còn có truyền thống làm nước mắm lâu đời. Người Cảnh Dương dùng rất nhiều loại cá để chế biến thành nước mắm: cá cơm ruội, cơm đỏ, cơm bạc, cơm than, cá nục mọng, cá ve, cá trích, cá tho...

làng cảnh dương

Ngư dân nơi đây thông thường làm nước mắm để sử dụng và bán cho người quen, chưa hề có ai làm thương hiệu nên cách thức sản xuất truyền thống 100% và không hề có chất bảo quản. Nước mắm Cảnh Dương là sự kết tinh của kinh nghiệm, sự cần cù, chịu thương chịu khó của con người, mảnh đất Cảnh Dương giàu truyền thống. Với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như vậy, nghề làm nước mắm truyền thống ở xã Cảnh Dương đã mang lại cho người dân nơi đây những giá trị vô cùng to lớn. Đến du lịch Quảng Bình khi ghé qua Cảnh Dương, du khách chiêm ngưỡng không gian làng quê trù phú, trải nghiệm cuộc sống của người dân, cùng bắt tay làm những nghề truyền thống như làm nước mắm, làm thuyền thúng, nghề mộc…


 



Tin liên quan

công ty du lịch uy tín

 Du Lịch Chào Việt Nam

VUI Garden Restaurant - Nhà Hàng thuộc hệ sinh thái của chúng tôi

Address: 55?268, Ngoc Thuy, Long Bien, Ha Noi 
*Contact to book a table: 0906 298 184
*Email: vuigardenrestaurant@gmail.com