Những điều đặc biệt chỉ có ở Đà Lạt
Thành phố Đà Lạt vốn đã quá quen thuộc với bao nhiêu tên gọi: thành phố sương mù, thành phố ngàn thông, thành phố ngàn hoa... Với những ai đã từng đến du lịch Đà Lạt, hẳn luôn mang trong mình một sự tiếc nuối khi chia tay, bởi nơi này có những điều đặc biệt mà không dễ gì ta có thể quên đi.
1. Thành phố không đèn giao thông
Nghe thì có vẻ lạ nhưng Đà Lạt là thành phố duy nhất ở Việt Nam không có đèn giao thông. Và bạn có lẽ nghĩ: vậy xe đông như thế ở Đà Lạt có kẹt xe không? Câu trả lời là không! Nếu phải nói cho chính xác thì tất cả mọi người ở Đà Lạt đều đi rất chậm rãi, khi qua đến ngã ba hay ngã tư mọi người đều nhường đường nhau tránh xảy ra va chạm. Hoặc một giả thuyết lãng mạn hơn đó là mọi người đi chầm chậm để ngắm hết vẻ đẹp của Đà Lạt trên đường đi.
Tuy nhiên, việc không có đèn giao thông cũng có những bất tiện của nó. Ở Đà Lạt có rất nhiều con dốc thoai thoải nên việc đụng nhau đôi khi cũng có thể xảy ra. Thế nhưng một điểm đặc biệt ở Đà Lạt đó là khi có người chạm nhau trên đường, mọi người sẽ hỏi han nhau, xin lỗi và rời đi. Trong thành phố Đà Lạt không có đường quốc lộ thế nên không có tình trạng xe tải và xe hạng nặng lưu hành trong thành phố. Ngoài đường chỉ có xe đạp, xe máy và xe du lịch lưu thông. Ngoài ra bạn cũng có thể lựa chọn đi bộ vì đường sá không chỉ sạch sẽ mà còn thân thiện với thiên nhiên.
2. Rừng phong đỏ lá
Nếu bạn đang thất vọng nếu không thể đến Nhật Bản hay Hàn Quốc để ngắm phong đỏ thì Đà Lạt sẽ cho bạn cơ hội đó. Rừng phong đỏ được phát hiện ở Đà Lạt vào cuối năm 2015 đã tạo nên cơn sốt, hấp dẫn rất nhiều du khách tới tham quan.
Quần thể phong đỏ Đà Lạt nằm ở vùng rừng núi sâu của hồ Tuyền Lâm, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 6 km về phía nam. Bạn sẽ phải chèo thuyền gỗ, thuyền cao su, cano để di chuyển qua hồ Tuyền Lâm rồi đi bộ một đoạn sâu vào bên trong để vào tham quan rừng phong lá đỏ. Vì đường cũng khá khó đi và ngoằn nghèo, tốt nhất bạn nên tìm người dân địa phương hay những ai từng đi để hướng dẫn. Cảnh ở hồ Tuyền Lâm cũng rất đẹp và đáng để bạn tận hưởng. Nếu bạn muốn đi cano thay vì chèo thuyền chiều về như lúc trước, bạn phải chi trả thêm 150.000 đồng/người.
( Tham khảo tour ghép đà lạt 3 ngày )
Có thể bạn chưa biết: lá phong chuyển đỏ khi cây không cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng lên lá, khiến quá trình quang hợp không thể xảy ra và cây dần mất đi chất diệp lục. Với nhiều loại cây khác thì lá sẽ rụng hoặc bị khô héo đi, nhưng loài cây phong lại sản sinh ra anthocyanin khiến tất cả lá cây chuyển qua màu đỏ. Thời điểm lá phong chuyển đỏ ở Đà Lạt là từ tháng 10 đến giữa tháng 12. Thời điểm lý tưởng nhất trong ngày để chiêm ngưỡng cảnh rừng phong lá đỏ là 5h và trước 16h. Khi trời nổi gió, từng chiếc lá xào xạc đung đưa, chốc chốc lại có chiếc lá đỏ nhẹ nhàng đáp xuống.
3. Mùa Mai anh đào nở rợp bóng ở Đà Lạt
Không cần phải khăn gói đến Nhật Bản xa xôi, giờ đây bạn hoàn toàn có thể ngắm hoa mai anh đào ngay ở Đà Lạt. Mai anh đào được xem là loài hoa đặc trưng của Đà Lạt mỗi dịp đầu xuân. Không chỉ làm xao xuyến bao trái tim du khách mà hoa mai anh đào còn đi vào cả thơ ca, nhạc họa với bài ca nổi tiếng “Ai lên xứ hoa đào”.
“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.”
Hoa mai anh đào được đưa về nhân giống ở Việt Nam vào khoảng thập niên 20 của thế kỷ trước, ban đầu được trông tại quanh hồ Xuân Hương, đường Lê Đại Hành và một số tuyến đường khác ở phố núi. Trước hoa được gọi là hoa đào, sau này một số nghệ sĩ đã đổi tên thành mai anh đào như ngày nay.
Trước đây, mai anh đào thường nở rộ vào cuối tháng 12 đến tháng 1 hàng năm. Thế nhưng mấy năm gần đây, thời tiết khí hậu khắc nghiệt hơn, mai anh nở lác đác từ cuối tháng 1 và phải đến tận đầu tháng 3 thì mới nở rộ ở khắp nơi. Mỗi khoảnh khắc trong ngày, hoa mai anh đào lại mang một sắc thái riêng. Khi ban mai hay hoàng hôn, từng tia nắng ngọt ngào chiếu rọi qua những tán cây, những cánh hoa như muốn tan vào cùng nắng, mong manh và quyến rũ lạ thường. Hay lúc mặt trời lên thẳng, cánh hoa bỗng chốc rực rỡ đến kỳ lạ.
Bật mí các cung đường đẹp săn hoa mai anh đào Đà Lạt:
- Đường Trần Hưng Đạo hoa mai anh đào nở rực hai bên đường dọc theo dãy biệt thự cổ Cadasa hay đường Nguyễn Chí Thanh Lê Đại Hành,…Đặc biệt là con đường dốc Đa Quý.
- Đường Lê Đại Hành ngay trung tâm thành phố, ven hồ Xuân Hương, khu vực hồ Tuyền Lâm gần Thiền Viện Trúc Lâm cũng là nơi được mọi người tìm tới.
4. Làng Pháp ở trung tâm thành phố Đà Lạt
Đà Lạt nổi tiếng với những công trình kiến trúc đậm dấu ấn của người Pháp hay còn được ví với tên gọi “Bảo tàng kiến trúc của Pháp” với hơn 1.300 công trình kiến trúc, biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Khu biệt thự cổ với 17 căn biệt thự (xây mới 2 căn) nằm trên một đồi thông rộng 17 ha được xem như là một ngôi làng Pháp. Qua thời gian, một số công trình kiến trúc đã bị hư hỏng. Tuy nhiên đến bây giờ, nơi này đã được khôi phục và cải tạo mà không làm mất đi nét kiến trúc đặc trưng của từng vùng miền nước Pháp, nơi những người chủ ban đầu của biệt thự mang tới. Mỗi tòa biệt thự như chứa một kỷ niệm đẹp nào đó và có những cái tên riêng biệt như: biệt thự Mậu dịch Đông Dương, biệt thự của khách lữ hành, nhà khảo cổ, họa sĩ, người trồng trọt của biệt thự Brigitte, biệt thự Câu lạc bộ xe hơi,…
Trang trí, nội thất của các biệt thự hầu như được giữ nguyên trong quá trình tu sửa. Nhờ vậy mà từ các chi tiết nhỏ như: sàn gỗ, công tắc đèn, hệ thống cửa sổ được làm bằng gỗ quý, chiếc lò sưởi…đều khiến cho du khách khi đến đây đều có cảm giác như quay trở về không gian đậm chất Pháp cách đây gần trăm năm.
Trước đây, người dân Đà Lạt hay gọi nơi đây là Khu cư xá ngoạn mục được dịch ra từ tiếng Pháp là Cité Bellevue. Hiện nay, các biệt thự đều cho phép du khách tham quan, trải nghiệm không gian thú vị đậm chất Pháp này.
( Tham khảo tour ghép đà lạt 4 ngày )
5. Đà Lạt mùa phượng tím
Nếu như đã quá quen thuộc với màu phượng vĩ đỏ rực thường thấy thì chắc chắn phượng tím ở Đà lạt sẽ cho bạn một cảm giác khác, nên thơ hơn, lãng mạn hơn. Cứ đến khoảng tháng 3 đến cuối tháng 4, khi tiết trời của vùng cao nguyên mát mẻ vẫn còn hơi se lạnh, thì cũng là lúc Đà Lạt vào mùa hoa phượng tím. Phượng tím Đà Lạt được đưa về trồng khoảng 55 năm trước bởi một kỹ sư trẻ. Bốn cây phượng tím xuất hiện đầu tiên ở Đà Lạt, một cây ở ngay cạnh bờ hồ Xuân Hương, một cây ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, hai cây còn lại được trồng ở Công viên hoa Đà Lạt, nhưng một cây đã chết không lâu sau đó.
Vào mùa, hoa phượng tím nở thành chùm rất lớn và có một mùi rất dễ chịu. Đà Lạt mùa phượng tím bay bay, không quá lộng lẫy rực rỡ nhưng mang một vẻ đẹp dịu dàng và lãng mạn vô cùng.
Bấy nhiêu đó cũng đã khiến Đà Lạt trở nên thật đặc biệt! Còn điều gì bạn muốn biết thêm, hãy cùng du lịch Đà Lạt cùng Du lịch Chào Việt Nam nhé!