Khám phá 4 phiên chợ tết độc đáo tại miền Trung
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về là không khí khắp nơi trở nên rộn ràng náo nức hơn bao giờ hết, người người, nhà nhà thu xếp công việc chuẩn bị đón Tết. Tại những làng quê Việt Nam nói chung và Trung bộ nói riêng, sự đông vui, tấp nập này được phản ánh rõ nhất qua các phiên chợ Tết truyền thống.
Xem thêm:
- Chợ tết Gia Lạc - Huế
Chợ tết Gia Lạc có lịch sử từ rất lâu đời, phải hơn 200 năm trở về trước, chợ do con thứ tư của vua Gia Long là Nguyễn Phước Bình thành lập vào khoảng triều Minh Mạng. Ban đầu chợ mở ra chủ yếu để cho người thân thiết trong phủ đệ “con vua, cháu chúa” trao đổi, mua bán những đồ vật của mình và vui chơi. Tiếng lành đồn xa, các quan khách của kinh thành Huế cũng về đây tham gia họp chợ và mở rộng phạm vi cho tất cả người dân đến trao đổi mua bán hàng hóa, vui xuân.
Hiện nay chợ tổ chức tại ngã ba làng Nam Phổ, cách cầu Trường Tiền khoảng 3 cây số, cứ 3 ngày tết là chợ lại họp một lần, thu hút đông đảo người dân về tham gia mua sắm, giao lưu. Đến với chợ Gia Lạc, du khách có thể tìm thấy được rất nhiều mặt hàng: cau trầu, thực phẩm hải thuỷ sản,thịt bò tái, rau quả hoa trái, những món bánh tết Huế, đồ chơi trẻ con.... Bên cạnh đó, du khách có thể thưởng thức những món đặc sản nổi tiếng của Huế như bánh đúc và bánh đúc xanh rất được mọi người ưa chuộng.
Đi chợ tết Gia Lạc từ lâu đã trở thành truyền thống của người dân Huế, họ đi chợ cốt mong được cái lộc đầu năm, sự may mắn suôn sẻ, sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình, tham gia các trò chơi dân gian như: Bầu cua tôm cá, hát bài chòi,... thử vận đầu năm.
- Chợ tết đình Bích La – Quảng Trị
Chợ tết đình Bích La là một lễ hội độc đáo tại chợ Đình Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Đây là chợ Tết quan trọng của người dân Bích La, chỉ diễn ra duy nhất một lần trong năm từ khuya ngày mùng 3 Tết đến rạng sáng mùng 4 Tết.
Theo như lời kể lại thì chợ đình Bích La bắt đầu họp từ thế kỷ XVI, chính xác là năm 1526. Ngày ấy trước đình Bích La có hồ nước trong xanh, là nơi trú ngụ của rùa vàng, hàng năm cứ vàng mùng 3 Tết, dân làng Bích La lại về đình làng thắp hương, tri ân các vị tiền bối có công dựng làng, cầu mong một mùa bội thu, người dân an cư lạc nghiệp. Cứ mỗi lần như vậy rùa vàng lại xuất hiện, nhưng có một năm rùa vàng không xuất hiện và cả năm đó người dân mất mùa đói kém, cuộc sống cơ cực. Vì vậy những năm sau đó vào sáng mùng 3 Tết, họ sẽ tập trung thật đông bên ao đình, náo nhiệt tìm mọi cách để gọi được rùa thần lên.
Vì vậy mà trở thành thông lệ cứ mùng 3 Tết người dân Bích La lại tụ tập về sân đình họp chợ, không khí vui tươi nhộn nhịp hòa cùng với sắc xuân đất trời. Đêm mùng 3, Bích La không ngủ, mọi người dập dìu về tham gia chợ. Điều đặc biệt tại phiên chợ này là cả người bán và người mua đều ăn mặc chỉnh tề, không cò kè mặc cả vì thế mà tuy chợ ồn ào, náo nhiệt nhưng lại không có tiếng chửi mắng nhau như một số khu chợ khác. Những mặt hàng ở đây cũng là cây nhà lá vườn của người bán: dúm muối, con cá chép, bó chè, trầu cau,… hay những món bánh dân dã nhà làm như bánh sắn, khoai nướng,… Người dân đi chợ lấy cái may đầu năm nên ai cũng thoái mái, vui vẻ rạng ngời.
- Chợ Gò Trường Úc – Bình Định
“Chợ họp mỗi năm có một phiên
Người bán, người mua ở khắp miền
Mồng một kêu nhau đi họp chợ
Tưng bừng khăn áo bước chân chen”
Chợ Gò Trường Úc tổ chức trên một gò đất cao ở chân núi Trường Úc, cạnh thị trấn Tuy Phước, cách TP. Quy Nhơn khoảng 8 km. Đây là một trong những chợ tình tiêu biểu của nước ta tổ chức vào ngày mồng 1 và mồng 2 Tết Âm lịch.Theo truyền lại vì vào thời Tây Sơn nơi tổ chức chợ Gò vốn dùng làm chỗ tập trận của quân đội. Để cho vơi bớt nỗi nhớ nhà của binh sĩ vào dịp Tết, các tướng Tây Sơn tổ chức các cuộc vui vào mùng 1 và mùng 2 ngay trên bãi thao trường, người thân, người yêu của các binh sĩ đến đây thăm hỏi, còn dân làng mang đồ hàng ra bán từ lâu đã thành lệ. Vì họp vào thời điểm đầu xuân năm mới mà chợ mang màu sắc sống động vui tươi rộn ràng của dòng người khi tham gia chợ.
Người dân đến đây mục đích chính cũng không phải mua sắm đồ mà chơi xuân, cầu may mắn, hạnh phúc, lứa đôi yêu nhau đến đây hẹn hò, tâm tình cùng người yêu và khoe những bộ quần áo mới.
- Chợ Chuộng – Thanh Hóa
Chợ Chuộng tổ chức tại xã Đông Hoàng, Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa hàng năm vào ngày mùng 6 Tết Âm lịch. Đây là một phiên chợ vô cùng đặc biệt và khác hoàn toàn với những phiên chợ truyền thống thông thường tại Việt Nam. Nếu như những phiên chợ Tết khác mang đến không gian vui vẻ, rộn ràng, tràn đầy tiếng vui cười của người dân trong những bộ quần áo mới, thì tại chợ Chuộng không khí ban đầu cũng vui tươi nhộn nhịp nhưng đến cuối buổi chợ lại có hoạt động độc đáo mà khó tìm được ở bất kỳ đâu.
Các tiểu thương mang hoa quả, cà chua, táo, trứng đến chợ bán, nếu kết thúc chợ mà bán hết thì coi như sẽ có một năm mới buôn may bán đắt, còn nếu không hết thì họ sẽ dùng chính những hoa quả, trứng ế đó để ném vào mọi người, mong được may mắn. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng mọi người tham gia chợ lại rất hào hứng với phần ném quả này. Vì người dân ở đây quan niệm rằng nếu “đánh nhau” càng to thì mùa màng bội thu và càng gặp được nhiều may mắn. Phiên chợ diễn ra có sự can thiệp và quản lý của chính quyền địa phương nên cũng phần nào hạn chế được sự quá khích khi tham gia hoạt động này. Tuy nhiên đến gần cuối chợ, mọi việc gần như khó có thể kiểm soát, phiên chợ náo loạn hơn, ai nấy cũng bạo dạn ra sức ném hoa quả vào đối phương. Những cô gái nào có vẻ ngoài “dễ nhìn” thường bị ném nhiều nhất vì mọi người cho rằng cô gái sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Kết thúc phần ném hoa quả, quần áo của ai cũng bẩn, ướt đôi khi còn bị thương nhẹ nhưng không vì thế mà trở nên cáu gắt, mọi người vẫn rất vui vẻ tham gia và có ý tích cực hơn cho một năm mới.