Di tích đền tháp Chăm Poshanư
Tháp Chăm Poshanư là di tích cổ duy nhất còn sót lại của người Chăm cổ xưa, mang dấu ấn thời kỳ thịnh vượng của vương quốc Chămpa. Đến đây, du khách không chỉ được tham quan tháp cổ với kiến trúc độc đáo mà còn được nghe câu chuyện về mối tình đẹp nhưng không trọn vẹn của công chúa Poshanư.
Xem thêm:
Vị trí địa lý
Tháp Chăm Poshanư tọa lạc tại đồi Bà Nài, phường Phú Hải, nằm trong cụm di tích Lầu Ông Hoàng, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7km. Tháp Chăm Poshanư được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII, thờ thần Shiva, được coi như là biểu tượng của vương quốc Chămpa thời bấy giờ. Bên trong tháp hiện tại vẫn thờ hai bộ phận sịnh dục nam và nữ gọi là Linga – Yoni, là đặc trưng của người Chăm xưa. Cho đến thế kỷ thứ XV thì nơi đây bắt đầu thờ công chúa Poshanư và được đổi tên thành tháp Chăm Poshanư.
Quy mô của tháp Chăm Poshanư tuy không quá đồ sộ, bề thế nhưng chứa đựng nhiều tinh hoa, văn hóa của nhân loại, là một điểm đến thu hút những khách du lịch yêu thích văn hóa, lịch sử.
Kiến trúc văn hóa độc đáo
Tháp Chăm Poshanư là công trình được xây dựng theo phong cách Hòa Lai, một phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa cổ xưa. Từ khi xây dựng cho đến nay, trải qua hàng chục thế kỉ nhưng tháp Chăm vẫn giữ được vẻ nguyên vẹn của kiến trúc cổ xưa, không bị hư hại nhiều. Bên cạnh tháp này, có một ngôi chùa, nhưng nó đã được chôn trong lòng đất trong hơn 300 năm. Trong những năm 1992-1995, quá trình khai quật khảo cổ đã khám phá ra nền móng của nhiều ngôi chùa đã bị chôn vùi hàng trăm năm. Kể từ lần khai quật này, đền thờ được đặt tên là Poshanư.
Kiến trúc Poshanư là một tác phẩm nghệ thuật của người họa sĩ tài năng với sự kết hợp tuyệt vời giữa các kỹ thuật kiến trúc cổ điển và nghệ thuật trang trí của dân tộc Chămpa. Tháp Chăm Poshanư được xây dựng bằng gạch đỏ, gắn kết bằng một loại chất kết dính đặc biệc của người Chăm cổ xưa. Tháp có hình dáng thu nhỏ dần lên cao, cửa tháp hình mái vòm, trên bề mặt được điêu khắc, chạm trổ rất nhiều hoa văn tinh tế. Trên đỉnh của tháp, có bốn cửa sổ hình tam giác được xây dựng ở bốn bên.
Cấu trúc tháp Chăm Poshanư
Tháp Chăm Poshanư bao gồm ba tòa tháp nhỏ, tháp chính A nằm ở phía Nam, hai tòa tháp phụ là tháp B nằm ở phía Bắc và tháp C nằm ở phía Đông. Tháp A cao 15m, gồm có 3 tầng, có cửa chính hướng về phía Đông bởi người Chăm luôn tin rằng đây là hướng của các thần linh trú ngụ. Bên trong tháp có thờ bộ phận sinh thực khí Linga – Yoni bằng chất liệu đá xanh đen nguyên khối.
Tháp B nằm ở phía xa xa, cao khoảng 12m, bên trong thờ thần Bò Nandi, vật cưỡi của thần Shiva. Tháp B có cấu trúc khá giống tháp A nhưng chỉ có điều nhìn đơn giản và nhỏ hơn một chút. Tháp C là tháp nhỏ nhất với chiều cao 4m và nằm ngay cạnh tháp chính A, bên trong tháp thờ thần Lửa.
Vương quốc Chămpa cũ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nền văn minh Ấn Độ. Chính vì thế, tháp Chăm được xây dựng lên nhằm thờ thần Shiva của Ấn Độ, sau này mới xây dựng thêm đền tháp thờ công chúa Poshanư, con gái vua Poshachanh, người được dân tin yêu vởi tài năng và đức hạnh.
Câu chuyện tình thế kỷ
Tháp Chăm Poshanư gắn với một câu chuyện tình yêu đẹp nhưng lại không được trọn vẹn của công chúa Poshanư. Câu chuyện kể về mối tình thủy chung, son sắt của công chúa với một vị lãnh chúa ngoại tộc.
Công chúa Poshanư là con gái của vua Poshachanh, đã đem lòng yêu thương lãnh chúa Po Sahaniempar, một người ngoại tộc theo đạo Hồi ở vùng Ma Lâm. Cùng với trở ngại về luật tục tôn giáo, hai người đã cùng nhau vượt qua rất nhiều sóng gió và sự can ngăn để đến được với nhau, sống vui vẻ hạnh phúc. Cứ ngỡ niềm hạnh phúc đã trọn vẹn nhưng không ngờ trong một lần lãnh chúa Po Sahaniempar tham gia một cuộc hành hương, em trai công chúa Poshanư là thái tử Podam đã bày mưu chia rẽ tình cảm của cả hai. Sau khi cuộc hành hương kết thúc, lãnh chúa trở về nhưng không còn thấy vợ mình ra đón chờ giống như đã hứa hẹn, cho rằng công chúa đã phản bội mình nên đã dứt áo ra đi cùng nỗi uất hận. Công chúa Poshanư đã không quản ngại đường xa đi tìm chồng để giải thích nhưng đáp lại sự cố gắng của người là hình ảnh vị lãnh chúa Po Sahaniempar đang vui vẻ hạnh phúc bên nàng Chargo, người con gái dân tộc Raglây ở vùng Núi Ông – Tánh Linh. Những năm tháng cuối đời, công chúa Poshanư đã đến sống một mình tại Biannel, dạy dân chúng nơi đây cách trồng trọt, khai rẫy, trồng bông dệt vải, dạy người dân những quy tắc ứng xử, giao tiếp tiến bộ…
Sau này, người Chăm đã tạc tượng Bà và thờ cúng trong tháp để tôn vinh tấm lòng nhân ái, đức hạnh, thủy chung, son sắt của Bà. Hàng năm người dân cũng như khách du lịch thường xuyên đến đây để cầu an, xin Bà ban cho một mùa màng ấm no, hạnh phúc.
Các lễ hội tại tháp Chăm Poshanư
Khách du lịch từ khắp nơi đến đây không chỉ để thăm viếng, khám phá và chiêm ngưỡng những nét đặc trưng trong truyền thống của văn hoá Chăm mà còn có cơ hội để xem nhiều lễ hội và điệu múa Chăm độc đáo và hấp dẫn. Ngoài ra, ngư dân ở các khu vực lân cận khác cũng đến đây để cầu nguyện cho những chuyến đi an toàn và yên bình. Hàng năm, cứ đến tháng giêng âm lịch, lễ hội Rija Nuga và Poh Mbang được tổ chức dưới chân tháp Poshanư, người dân địa phương lại đến đây để cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa và những điều tốt đẹp luôn đến với cuộc sống của họ.
Các lễ hội ở đây được tổ chức bởi cộng đồng người Chăm. Người Chăm có ba cộng đồng tôn giáo, trong đó có hai tôn giáo chính là Chăm Ahier theo tôn giáo Bà La Môn và Chăm Awal theo tôn giáo Bà Ni. Trong đó Kate là lễ hội dành riêng cho người Chăm Bà La Môn và Ramawan là lễ hội dành riêng cho người Chăm Bà Ni. Vào dịp tháng 7 theo lịch người Chăm (tức tháng 10 dương lịch), tại tháp Poshanư lại diễn ra lễ hội Katê với nhiều tiết mục đặc sắc. Các điệu múa nhịp nhàng uyển chuyển đi kèm với những nhạc cụ truyền thống như trống Ginăng, trống Paranưng, kèn Xaranai, Grong, đàn Kanhi… luôn làm say đắm du khách tứ phương.
Vào những ngày thông thường, khách du lịch vẫn có thể được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật dân gian truyền thống Chămpa dưới sự cho phép của Ban quản lý nơi đây.