9 lễ hội ở Tiền Giang hấp dẫn
Nằm ở cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang là một vùng sông nước có phong cảnh hữu tình. Bên cạnh đó nơi đây có nhiều nét văn hóa đặc trưng hấp dẫn. 9 lễ hội hấp dẫn ở Tiền Giang dưới đây cho ta cái nhìn khái quát về nét văn hóa hấp dẫn nơi đây.
1. Lễ hội Chiến thắng Ấp Bắc
Để ghi dấu chiến thắng lẫy lừng của quân và dân Ấp Bắc bẻ gãy các chiến thuật tân kỳ "trực thăng vận" và "thiết xa vận" của đế quốc Mỹ trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt".
Hàng năm, vào ngày 02 tháng 01 Dương lịch, chính quyền và nhân dân Tiền Giang tổ chức lễ hội rất long trọng. Các năm chẵn, lễ hội diễn ra nhiều ngày với các hoạt động diễu binh, diễu hành, trưng bày, cắm trại, về nguồn, các cuộc thi thể thao, ẩm thực, văn nghệ… rất náo nhiệt. Đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh tựu về để tham gia lễ hội.
2. Lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút
Trận Rạch Gầm - Xoài Mút là trận thủy chiến lớn nhất và oanh liệt nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của vùng đất phía Nam Tổ quốc.
Ngày 20 tháng 01 hàng năm, vào những năm chẵn, tại khu di tích tổ chức lễ hội "Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút" diễn ra trong 2 ngày với rất nhiều hoạt động như: Thả diều, đua thuyền trên sông, hội thi "Chim, hoa, cá, kiểng", chưng mâm ngũ quả… rất sôi động, cùng với các hoạt động văn nghệ.
Kỷ niệm Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút là sự kiện văn hóa nhiều ý nghĩa cũng là niềm tự hào về quê hương Tiền Giang.
3. Lễ hội Nam Kỳ Khởi Nghĩa
Diễn ra vào ngày 23 tháng 11 Dương lịch hàng năm tại đình Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ngày 23/11/1940, trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đình Long Hưng là trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho. Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên của Việt Nam được treo tại đình này.
Vào các năm chẵn, lễ hội được tổ chức quy mô lớn với các hoạt động cắm trại, mít tinh, biểu diễn văn nghệ, thi làm bánh… thu hút hàng chục ngàn người tham gia.
4. Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng
Cá Ông hay cá voi trở thành một linh vật, một vị thần phù trợ hết sức linh thiêng đối với người đi biển. Mỗi khi cá Ông gặp nạn, xác trôi dạt vào bờ đều được những ngư dân an táng một cách rất trang trọng và tổ chức thờ cúng. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 9 tháng 3 (Âm lịch) tại Lăng ông Nam Hải thuộc ấp Lăng, xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông.
Lễ hội diễn ra rất trang trọng với lễ rước và lễ tế truyền thống. Lễ rước kiệu của Nam Hải Tướng Quân được thực hiện theo nghi thức cổ truyền bởi đoàn thuyền rồng với đầy đủ các đồ tế lễ. Cùng đi với thuyền rồng còn có nhiều ghe thuyền khác cũng được trang hoàng lộng lẫy để cùng ra biển nghinh Ông. Vào ngày này, nhân dân trong vùng tham gia lễ hội rất đông. Hai bên bờ sông người dân hò hát nô nức và tham gia các trò vui chơi giải trí dân gian.
5. Lễ hội Kỳ Yên Vĩnh Bình
Lễ hội Kỳ Yên của đình Vĩnh Bình (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) là lễ hội Kỳ Yên lớn nhất của tỉnh Tiền Giang. Hàng năm, vào trung tuần tháng Chạp Âm lịch (từ ngày 14 đến ngày 16), người dân tại Vĩnh Bình lại nô nức đón lễ hội.
Lễ hội bao gồm các nghi thức cúng rước, tế lễ các vị thần và những bậc tiền bối có công với địa phương. Trong lễ hội, có nghi thức đưa linh vị đến miếu Thánh Mẫu Thiên Y A Na sau đó rước về đình Vĩnh Bình. Sau cùng du khách sẽ được xem các nghi lễ tống gió độc ra biển với mô hình là những con tàu được kết bằng giấy và hoa đăng rực rỡ
6. Lễ hội Quan Thánh Đế Quân
Lễ hội Quan Thánh Đế Quân được xem là một trong những lễ hội văn hóa lớn của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam. Lễ hội được tổ chức trang trọng từ ngày mùng 10 - 13 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Đây là dịp để cộng đồng người Hoa ở thị xã Gò Công, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đến cúng viếng, thắp hương bày tỏ lòng thành kính đối với Quan Thánh (Quan Công). Lễ hội vía Quan Công là nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Việt gốc Hoa được duy trì nhiều năm qua.
Tham khảo bài 7 điểm du lịch Tiền Giang hấp dẫn nhất
7. Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân
Suốt 15 năm hoạt động 03 lần khởi nghĩa – 03 lần bị bắt trên chiến trường, trong tù ngục và ngay đến khi bị xử trảm Thủ Khoa Huân luôn nêu tấm gương "tận trung báo quốc" và "đạo cương thường" vì nước vì dân.
Sau ba lần bị bắt vì cùng người dân khởi nghĩa chống thực dân Pháp, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân bị giặc Pháp xử chém tại quê nhà xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Lễ giỗ được tổ chức tại đền thờ ông vào ngày 15 tháng 04 Âm lịch. Hàng năm, nhân dân các tỉnh thành trong khu vực và bà con dòng tộc về dự lễ rất đông.
8. Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định
Trương Định (1820) sinh ra và lớn lên tại thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Năm 24 tuổi, ông theo cha vào Nam sinh sống. Năm 1850, thực hiện chính sách di dân lập ấp của triều đình nhà Nguyễn, ông trở về quê nhà chiêu mộ người vào khai hoang tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Đây là vùng đất hoang vu, nhiều thú dữ... nhưng với khí chất, tính cách của người Quảng Ngãi đã giúp Trương Định kiên trì, đoàn kết với nhân dân, biến vùng đất Gò Công hoang vu thành ruộng đồng tốt tươi, trù phú.
Lễ giỗ anh hùng dân tộc Trương Định (20 tháng 8 Âm lịch) được tổ chức tại đền thờ ông ở thị xã Gò Công và đình Gia Thuận huyện Gò Công Đông vào ngày Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định tuẫn tiết 20 tháng 8 năm 1864. Vào ngày lễ giỗ, đông đảo người dân trong tỉnh và du khách thập phương về dự lễ. Ở thị xã Gò Công có thêm lễ rước linh và dâng hoa tại tượng đài anh hùng dân tộc Trương Định. Đây là dịp để người dân trên địa bàn tri ân người con ưu tú của quê hương... Qua đó giúp thế hệ trẻ thêm hiểu và tự hào về truyền thống anh hùng, bất khuất, kiên cường của các thế hệ cha anh đi trước.
9. Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp
Đến với lễ hội, du khách sẽ có cơ hội được khám phá văn hóa đặc trưng địa phương, được trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống cộng đồng, với những con người Nam bộ chân chất, nhiệt tình, giàu lòng mến khách qua những sự kiện đặc sắc sôi nổi như: Triển lãm sinh vật cảnh, hòn non bộ; Hội thi làm bánh dân gian, Hội thi chưng mâm ngũ quả; Hội thi đua xuồng; Diễu hành thuyền hoa; Chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ,đờn ca tài tử; Tổ chức giao lưu các đoàn Nhật Bản; Tọa đàm bảo tồn và phát huy Làng cổ; Hội chợ Thương mại hàng tiêu dùng; Tổ chức các trò chơi dân gian; Tái hiện nghi thức cúng đình xưa…
Qua đó, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng của làng cổ Đông Hòa Hiệp, kết hợp với bảo tồn và giữ gìn những ngôi nhà cổ trong di sản văn hóa du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Đến với Lễ hội du khách sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc các ngôi nhà cổ, tìm hiểu các nghề truyền thống, thưởng ngoạn những vườn cây ăn trái, tham quan chợ nổi Cái Bè...