Email: sales@welcomevietnamtours.com
Hotline: 0987 31 8899

Du lịch trong nước

9 Lễ hội đặc sắc ở thành phố Hồ Chí Minh


Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn sôi động, đầy sức trẻ, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Không những thế, thành phố Hồ Chí Minh còn là nơi tập trung đông đúc nhiều người Hoa, người Khmer,…nên rất đa dạng trong văn hóa phong tục. Chính nhất phải kể đến những lễ hội ở đây đều có ý nghĩa và mang dấu ấn riêng biệt không thể trộn lẫn diễn ra trong lòng thành phố sầm uất, hiện đại này.

Xem tour:

1. Hội miếu ông Địa

Thời gian: 2/2 âm lịch hàng năm

Địa điểm: 125 đường Lê Lợi, phường 3, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.

Hội miếu Ông Địa được tổ chức nhằm suy tôn Thổ địa Phúc Đức Chính Thần với các vị thần dân gian khác. Có thể nói đây là lễ hội tiêu biểu cho các lễ hội miếu ở thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ với các nghi thức: gióng trống khai trang, mời trầu bằng điệu hát bóng rỗi để thỉnh thần về dự lễ, diễn tuồng hài “Địa Nàng” với nhân vật ông Địa và nàng tiên nhằm phê phán thói hư tật xấu trong xã hội hương thôn xưa. Tiếp theo là màn diễn múa mâm vàng, mâm bạc và múa đồ chơi do các nghệ nhân dân gian trình diễn. Kết thúc hội là nghi thức phát lộc.

2. Lễ giỗ tổ nghề kim hoàn

Thời gian: 6 - 8/2 âm lịch hàng năm

Địa điểm: Hội quán Lệ Châu, 586 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

Lễ hội được tổ chức rất quy mô, thu hút hàng ngàn nghệ nhân trong ngành thợ kim hoàn, không chỉ riêng Thành Phố Hồ Chí Minh mà từ các tỉnh Nam Bộ cũng về dự lễ và cúng bái những tổ sư khai sáng ngành kim hoàn.

Phần lễ gọi là viên được tổ chức theo nghi thức cổ truyền dâng bánh trái, vật phẩm,…để cúng tế với tấm lòng thành kính biết ơn với những vị tổ sư có công truyền nghề cho con cháu đời sau.

3. Lễ Kỳ Yên đình Bình Đông

Thời gian: 10 - 14/2 âm lịch hàng năm

Địa điểm: Phường 7, quận 8, TP. Hồ Chí Minh.

Lễ Kỳ Yên được tổ chức theo nghi thức: đầu lễ là Túc yết, chính lễ là Đoàn (Đàn) và nghi thức tế thần trịnh trọng được gọi là lễ Thỉnh Sanh. Mỗi khi đến dịp lễ, hàng ngàn người lại đổ xô về để chiêm ngưỡng cúng bái, ngay cả những làng xa tận Long An cũng cử đoàn đến dâng lễ.

4. Lễ đền thờ Phan Công Hớn

Thời gian: 25/2 âm lịch hàng năm

Địa điểm: Xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. TP. Hồ Chí Minh.

Lễ đền thờ Phan Công Hớn được tổ chức nhằm suy tôn Phan Công Hớn, người lãnh đạo nhân dân 18 thôn Vườn Trầu đã anh dũng tấn công dinh tri huyện vào năm 1885.Lễ giỗ được thực hiện theo nghi thức cúng thần. Người đến dự lễ rất đông có cả bà con nhân dân trong xã và nhiều du khách phương xa.

5. Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu

Thời gian: 23/3 âm lịch hàng năm

Địa điểm: 710 Nguyễn Trãi, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Chùa Bà Thiên Hậu (theo cách gọi của người Việt) còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn là một ngôi chùa cổ, có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở Chợ Lớn, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa là nơi quy tụ của rất nhiều bà con người Việt gốc Hoa sinh sống ở đây. Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu nhằm suy tôn Bà Thiên Hậu với lòng hiếu thảo đức hạnh, xả thân vì mọi người. Nhân dân đến cúng bái rất đông, luôn cầu mong bình an và tin tưởng sự hiển linh của bà sẽ giúp vượt qua mọi trở ngại, khó khăn.

6. Hội chùa Ông

Thời gian: 24/6 âm lịch hàng năm

Địa điểm: 676 - 678 đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

Chùa Ông còn được gọi là miếu Quan Đế hay Nghĩa An Hội Quán là một ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc, nghệ thuật vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Chùa Ông là nơi chiêm bái, thờ cúng và sinh hoạt tín ngưỡng của người Hoa gốc Triều Châu ở Sài Gòn. Ngôi chùa thờ Quan Công – một nhân vật thời Tam Quốc và nhiều vị thần khác trong tín ngưỡng của người Hoa.

Hội chùa Ông có phần lễ gồm nhiều nghi thức như dâng hương, tắm tượng, múa lân, hát bội với mong ước cầu cho sức khỏe, bình an,…

7. Lễ hội Lăng Ông - Bà Chiểu

Thời gian: 30/7 - 1/8 âm lịch hàng năm.

Địa điểm: Lăng Ông, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

Lăng Ông Bà Chiểu còn gọi là Lăng tả quân Lê văn Duyệt, là một di tích lịch sử - văn hóa ở thành phố Hồ Chí Minh. Lễ hội Lăng Ông – Bà Chiểu nhằm mục đích tưởng nhớ ông bà Lê Văn Duyệt có công nâng đỡ, tạo điều kiện cho cộng đồng người Hoa phát triển an cư lạc nghiệp.Trong lễ hội có những hoạt động lễ cầu yên, diễn xướng của nhiều nhân vật.

8. Hội chùa ông Bổn

Thời gian: 15/8 âm lịch hàng năm

Địa điểm: Đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

Hội chùa ông Bổn nhằm suy tôn những nhân vật như ông Bổn, Quan Công, Quan Thế Âm, Bà Chúa Sanh. Lễ vật cúng ông Bổn thường là heo quay, heo sống, gà luộc, hoa trái, nhang đèn,... Ngươi Hoa đến đây phần lớn là người gốc Phúc Kiến đem lễ vật đến chùa cúng rất đông. Bà con người Hoa thường mua những vòng hương thắp cúng treo khắp vòm trần chùa tỏa khói thơm nghi ngút suốt nhiều tháng.

9. Lễ hội Nghinh Ông

Thời gian: Từ 15 đến 17 tháng 8 âm lịch hàng năm

Địa điểm: Xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

Nghinh Ông là lễ hội mang đậm bản chất của ngư dân vùng biển, gắn liền với tục thờ cá ông phổ biến. Lễ hội vừa là dịp cho ngư dân mong cầu bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn, cũng là dịp cho mọi người tưởng nhớ đến việc báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn.



Tin liên quan

công ty du lịch uy tín

 Du Lịch Chào Việt Nam

VUI Garden Restaurant - Nhà Hàng thuộc hệ sinh thái của chúng tôi

Address: 55?268, Ngoc Thuy, Long Bien, Ha Noi 
*Contact to book a table: 0906 298 184
*Email: vuigardenrestaurant@gmail.com