8 lễ hội tiêu biểu ở Lạng Sơn
Lạng Sơn là mảnh đất biên thuỳ của Tổ Quốc còn in đậm dấu ấn của những nền văn hoá truyền thống của phổ quát dân tộc ở Việt Nam. Với nhiều dân tộc sinh sống nơi đây như Nùng, Tày, Việt, Dao cùng với đó là những nét phong tục tập quán và lễ hội rất độc đáo. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 8 lễ hội tiêu biểu ở Lạng Sơn dưới đây nhé.
1. Lễ hội Ná Nhèm
Lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn là lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng hàng năm. Lễ hội là nghi thức, nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn của người Tày xã Trấn Yên huyện Bắc Sơn.
Trong lễ hội các thành viên bôi nhọ lên mặt thể hiện khuôn mặt giặc “Sấc Tài Ngàn” khi còn sống. Đó cũng là quan niệm của đồng bào về linh hồn, thế giới tâm linh. Người tham dự lễ hội phải bôi nhọ mặt bởi họ tin rằng làm như thế sẽ đánh lạc hướng những linh hồn ma giặc, qua lễ hội sẽ không còn ma nào biết ai đã diễn lại hình dạng và sự thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây tai họa, dịch bệnh cho họ cùng gia đình, người thân của họ.
2. Hội đền Bắc Lệ
Đền thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, thờ bà chúa Thượng Ngàn - một trong ba vị Mẫu vẫn được thờ phụng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Lễ hội đền Bắc Lê được tổ chức trong vòng 3 ngày từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 âm lịch hàng năm Lễ hội gồm có các phần lễ chính như lễ tắm ngai, lễ chính tiệc, lễ rước. Lễ tắm ngai diễn ra trước lễ rước.
Trong đó, người dân lấy nước suối đền Bắc Lệ về lau tượng Mẫu đệ nhất Thượng ngàn và ngai đức vua cha Ngọc Hoàng. Lễ chính tiệc bao giờ cũng có cỗ tam sinh làm vật hiến tế (lợn, gà, cá), ngoài ra còn có nhiều đồ lễ khác như voi, ngựa, thuyền, mũ, hình nhân,... bằng giấy. Cỗ tam sinh cho ban Công đồng, ban Ngũ vị tôn ông, cỗ chay (có khi cả mặn) ban cho Mẫu,... Sau đó, lễ rước Mẫu đi xem hội trong tiếng chiêng, trống rộn ràng. Đoàn rước đến đền Đèo Kẻng (một di tích liên quan đến đền Bắc Lệ) làm lễ đại tế. Tế xong người dân quay về đền Bắc Lệ làm lễ đại tế.Trong ý thức của người dân địa phương, lễ hội đền Bắc Lệ là cái tết lớn trong năm.Qua hàng trăm năm, đền Bắc Lệ trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, điểm đến của người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc với niềm tin chân thành, trong sáng vào Tiên Thánh, vào Mẫu - người Mẹ linh thiêng của dân tộc.
Khám phá 10 điểm du lịch ở Lạng Sơn
3. Hội chúa Bắc Nga
CChùa Bắc Nga xã Gia Cát có từ lâu đời và có tên “Thiên Nga Tự”, thờ tiên và phật; với địa thế “Rồng chầu hổ phục”, được xậy dựng từ rất xa xưa có từ thế kỷ XVI. Chùa thuộc địa phận thôn Bắc Nga xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, Chùa còn giữ được 05 tượng đất cổ, 06 bức hoành phi, 01 đôi câu đối, 04 bát hương cổ, 21 bảng gỗ khắc chữ Hán nho, 02 trống… rất có giá trị trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng.
Lễ hội Chùa Bắc Nga diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm, là một trong hai lễ hội truyền thống lớn nhất của huyện Cao Lộc, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn và du khách thập phương đến với lễ hội nhằm thoả mãn nhu cầu tâm linh, nhu cầu vui chơi giải trí, ngắm phong cảnh và thưởng thức các món ăn đặc sắc nơi đây.Lễ hội chùa Bắc Nga được chia làm hai phần. Phần Lễ được chuẩn bị rất chu đáo, gồm các lễ vật như mâm xôi, gà, lợn quay, mâm ngũ quả để tổ chức dâng hương cầu khấn xin âm dương, trình Thánh, trình Tiên cầu cho dân làng được tài lộc, sức khỏe mùa màng bội thu, mọi người đều được an lành, hạnh phúc và xin phép Thánh, Tiên cho dân làng được mở hội an vui trên địa bàn. Phần Hội với nhiều các trò chơi dân gian phong phú, độc đáo thể hiện bản sắc văn hóa riêng của vùng đất này, các trò chơi như múa sư tử, múa võ dân tộc, tung còn, nhảy bao, hát dân ca, hát Sli, hát Lượn, hát Then diễn ra trong lễ hội.
4. Hội chùa Tam Thanh
Chùa Tam Thanh nằm trong động Tam Thanh - di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của Xứ Lạng. Hội chùa được mở vào ngày 15 tháng giêng hàng năm.
Sáng ngày 15, các cụ già tập hợp trước Tam bảo tụng kinh, gõ mõ, cầu đức Phật phù hộ cho dân chúng một năm mới bình an, mạnh khỏe,... Lúc này, các đội sư tử lên chùa múa lễ, mọi người dân đi theo sau thắp hương lễ Phật, thánh, Mẫu trong chùa. Quy trình tế lễ gồm các tuần hương, hoa, trà, tửu, đọc chúc văn, hóa vàng,... trình tự tế giống như tế ở các đình đền chùa khác.
Về phần hội, bao gồm: những hoạt động phong phú như đấu cờ người, thi múa võ, ném còn,... và các làn điệu sli, then, lượn, quan họ, chèo hòa theo cùng tiếng đàn then, đàn nhị,... tạo nên không khí ngày hội sôi động, hào hứng.
5. Lễ hội Phài Lừa
Nhưng ở xã Hồng Phong huyện Bình Gia có lễ hội Phài Lừa được phục dựng từ năm 2003 và tổ chức 3 năm 1 lần vào ngày 4/4 năm nhuận, đây là một trong những lễ hội truyền thống của người dân xã Hồng Phong. Đến với lễ hội này du khách không chỉ thưởng thức các làn điệu Sli, lượn quen thuộc, xem các trai làng đến từ khắp thôn bản trong xã cùng nhau thi tài thông qua môn thể thao truyền thống như : Đua bè, thi bơi, lặn bắt vịt….mà còn hồi tưởng về một câu chuyện truyền thuyết mang tính nhân văn cao cả đã có từ lâu đời gắn với lễ hội Phài Lừa.
Lễ hội diễn ra cả ngày với các nghi thức trang nghiêm, các trò chơi hấp dẫn thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Sau phần lễ là hội đua thuyền. Dân bản kéo xuống tập trung hai bờ sông để chứng kiến cuộc đua tài và cổ vũ cho thuyền mà mình hâm mộ. Hội còn được tôn lên bởi những câu hát Lượn, điệu Sli "cầu cho lúa tốt mùa màng bội thu, trai gái gặp nhau rồi yêu nhau nên vợ thành chồng"
6. Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ thường được tổ chức vào ngày 22 tháng riêng hàng năm là hoạt động để tưởng nhớ vị quan Tuần Tranh vốn có nhiều công lao dẹp giặc nhưng bị oan khuất nên đã nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn. Ông được nhân dân tôn làm thần sông ngự tại đền Kỳ Cùng và sau này ông được vị quan nhà Lê là Thân Công Tài minh oan.
Để cảm tạ công lao lớn của Thân Công Tài nên hàng năm vào mùa hội Kỳ Cùng, quan Tuần Tranh phải đi kiệu đến đền Tà Phủ làm lễ tạ ơn. Và con đường mà ngày nay kiệu của ông đi qua luôn ngập tràn màu sắc.Đây là dịp để nhân dân các dân tộc Xứ Lạng gặp gỡ tụ hội vui chơi, ca hát, thực hiện những nghi lễ cầu cúng, mong đạt những ước vọng về nột cuộc sống tốt đẹp may mắn cho một năm mới no đủ, hạnh phúc.
Đây có thể coi là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc nhất của tỉnh Lạng Sơn – thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham gia.
7. Lễ hội Lồng Tồng
Lễ hội Lồng tồng (huyện Bình Gia) được tổ chức hàng năm cứ sau dịp tết nguyên đán, lễ hội Lồng tồng nhằm khôi phục lại những nghi thức, các phong tục, tín ngưỡng trong lễ hội Lồng tồng xưa, đây là lễ hội mang tính chất nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới.
Lễ hội được chia thành 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm mâm cúng do các vị chức sắc và các thầy cúng trong làng sắp đặt và tổ chức lễ cúng dân gian, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bội thu, thóc đầy bồ, lợn, gà đầy chuồng, con người được bình an, mạnh khoẻ. Phần hội được bắt đầu bằng các điệu múa và các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc như hát Sli, Then, Dân ca... Các trò chơi ở đây đa số là trò chơi dân gian, trò chơi bịt mắt đập niêu, trò chơi tung còn, kéo co, nhẩy bao...
8. Lễ hội chùa Tiên
Chùa Tiên nằm trong lòng núi Đại Tượng, thuộc địa phận phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Lễ hội Chùa Tiên xuất phát từ tín ngưỡng thờ đá và thờ nguồn nước của cư dân nông nghiệp. Đây là một trong những mô típ hình thành lễ hội rất phổ biến ở Việt Nam. Trong dịp đầu năm mới, lễ hội Chùa Tiên là ngày hội văn hóa truyền thống đặc sắc được tổ chức đông vui, nhộn nhịp và điển hình nhất ở Lạng Sơn.
Lễ hội được diễn ra trong ngày 18 tháng giêng. Phần lễ, bao gồm: các nghi lễ thờ Phật, với nghi thức khai hội và phần nghi lễ tế. Điều đặc biệt ở lễ hội Chùa Tiên, các đồ lễ vật đặt lên các bàn thờ không được dâng lợn quay – vật lễ thường được dâng cúng ở các lễ hội khác. Hội Chùa Tiên ngày nay mang tính chất là ngày hội cầu tài, cầu lộc, du xuân vãn cảnh. Chính vì vậy, lễ hội đã vượt khỏi khuôn khổ lễ hội làng. Nhiều du khách ở các vùng lân cận và các tỉnh miền xuôi nô nức đến trẩy hội. Không chỉ thế, Chùa Tiên còn là danh lam thắng cảnh vào bậc nhất của thành phố Lạng Sơn. Hội cũng là nơi gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, nơi diễn ra các trò chơi, diễn xướng dân gian như: múa sư tử, đánh cờ người, hát sli, hát lượn… những hoạt động mang đậm dấu ấn của văn hóa truyền thống xứ Lạng.