7 lễ hội ở Thái Bình đáng tham quan và trải nghiệm
Thế mạnh của du lịch Thái Bình là du lịch văn hóa. Các lễ hội trong tỉnh là một điểm nhấn của du lịch văn hóa. Đến du lịch Thái Bình không chỉ chiêm ngưỡng không gian văn hóa kiến trúc của những ngôi đền chùa cổ kính nổi tiếng, du khách còn có thể khám phá nét văn hóa lễ hội hấp dẫn nơi đây.
1. Lễ hội chùa Keo
Tại chùa Keo Thái Bình, mỗi năm tổ chức hai mùa lễ hội. Hội xuân được mở vào ngày mồng 4 tháng Giêng. Hội thu được mở vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch và là hội chính nhằm tưởng nhớ, suy tôn Ðức thánh Thiền sư Không Lộ. Nếu như lễ hội mùa xuân vừa là lễ hội nông nghiệp vừa là lễ hội thi tài gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp vùng sông nước thì lễ hội mùa thu ngoài tính chất là hội thi tài giải trí còn mang đậm tính chất của một lễ hội lịch sử. Lễ hội chùa Keo hiện còn bảo lưu nguyên vẹn nhiều nghi thức truyền thống như: khai chỉ mở cửa đền Thánh, tế lễ Phật thánh trong nội tự chùa, rước kiệu Đức thánh…
Cùng với các nghi lễ độc đáo, lễ hội chùa Keo còn có các cuộc thi tài, các trò chơi dân gian đặc sắc không đâu có như thi bắt vịt, thi nấu cơm, thi ném pháo, thi thày đọc, thi kèn, thi trống, múa ếch vồ, bịt mắt đánh trống, leo cầu ngô… Thông qua các trò chơi dân gian truyền thống, hình thức biểu diễn nghệ thuật phản ánh lối sống của vùng dân cư nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ nói chung, Thái Bình nói riêng.Lễ hội chùa Keo cũng là nơi cư dân nơi đây nói riêng và khách thập phương gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội chùa Keo có một ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của người dân, là hình thức sinh hoạt văn hóa thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Mọi người đến với lễ hội đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với mình, gia đình và cộng đồng làng xóm.
2. Lễ hội đền Trần (huyện Hưng Hà)
Khu di tích đền Trần hiện là nơi đặt tôn miếu và lưu giữ mộ phần của các liệt tổ nhà Trần, của Thái tổ Trần Thừa và ba vị vua triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và một phần ngọc cốt của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Đây là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, các công trình kiến trúc được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian như: không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh, là một công trình kiến trúc kế thừa và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc - kiến trúc đình làng. Lễ hội Đền Trần Thái Bình – Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được tổ chức từ ngày 13 đến 18 tháng giêng hàng năm tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà với phần Lễ và phần Hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc như lễ rước nước, thi cỗ cá, thi pháo đất và nhiều trò chơi dân gian khác. Lễ hội đền trần là 1 trong những lễ hội ở Thái Bình hấp dẫn du khách khắp nơi.
3. Hội làng Đồng Xâm
Đền Đồng Xâm nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, thờ Triệu Đà tức Triệu Vũ Đế (207-136 trước Công Nguyên) nằm trong một quần thể di tích có quy mô rộng lớn.
Trong đó, có đền thờ Trình Thị Hoàng hậu (vợ vua Triệu Vũ Đế) gắn với những huyền thoại về một làng chèo, làng ca trù và đền thờ Nguyễn Kim Lâu (thế kỷ XV) vị tổ nghề chạm bạc gắn với một làng nghề. Đền Đồng Xâm nằm trong hệ thống đền chùa nằm kề bên sông Vông với tục đua thuyền trong ngày hội.
Hàng năm, theo định lệ, Làng Đồng xâm vào đám vào những ngày cuối tháng 3 âm lịch và khai hội vào ngày 1- 4. Hội đền Đồng Xâm xưa và nay là ngày hội lớn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Tính sầm uất của hội phần được lý giải bởi làng Đồng Xâm là làng chạm bạc không chỉ giàu có mà còn có nhiều khách vốn làm nghề kim hoàn tứ xứ về dự hội để tế tổ nghề.
Hội đền Đồng Xâm thường có nhiều lễ thức, nhiều trò chơi trò diễn trò đua tài, cuốn hút trai thanh, gái lịch trong vùng tham gia như: Đấu roi, đấu vật, hát chèo, hát ca trù...
Đặc biệt, sôi nổi nhất là cuộc thi đua thuyền của thanh niên trên sông Vông. Trong thời gian diễn ra lễ hội, các sản phẩm chạm bạc của làng cũng được trưng bày và bán làm làm đồ lưu niệm cho du khách để giới thiệu và quảng bá thêm về nghề truyền thống này.
Hội đền Đồng Xâm xưa và nay là ngày hội lớn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Tính sầm uất của hội phần được lý giải bởi làng Đồng Xâm là làng chạm bạc không chỉ giàu có mà còn có nhiều khách vốn làm nghề kim hoàn tứ xứ về dự hội để tế tổ nghề.
4. Lễ hội Đền Đồng Bằng
Đền Đồng Bằng tọa lạc trên đất An Lễ huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình ngày nay. Đền Đồng Bằng là nơi thờ đức Vua cha Bát Hải Động Đình, người có công lớn trong việc bình Thục giữ nước và chiêu dân lập ấp xây dựng giang sơn xã tắc từ buổi sơ khai. Đền có sắc phong Tam Kỳ Linh Ứng Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần.
Từ cuối thế kỷ XIII còn là nơi tưởng nhớ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các danh tướng hoàng thân quốc thích nhà Trần có công lớn trong ba lần đại phá quân Nguyên Mông và lập nên tám trang Đào Động xưa. Đối với những người tín ngưỡng đền Đồng Bằng là ngôi đền linh thiêng bậc nhất để họ đi trình về tạ, còn đối với du khách nam thanh nữ tú thì đền Đồng Bằng như một viên ngọc quý đặt giữa vùng quê Thái Bình.
Hội kéo dài từ ngày 20 đến 26 tháng 8 âm lịch. Hội đền Đồng Bằng là một hội tứ phủ lớn trong vùng. Đây là dịp tập hợp lớn nhất của các ông đồng, bà cốt từ khắp mọi miền.
Trong lễ hội ngoài phần “lễ” là các nghi lễ tế thần, dâng hương, diễn lại tích xưa vua cha đi đánh giặc, còn phần “hội” cũng diễn ra khá sôi động với những trò chơi mang đậm tính dân gian như: hát văn, kéo co, bơi trải, chọi gà, cờ tướng... thu hút rất đông người dân tham gia. Đến với lễ hội, du khách không chỉ bái vọng mà còn được tham quan, chiêm ngưỡng nhiều đồ tế khí có giá trị, cùng các bài vị từ thời Nguyễn, những công trình kiến trúc đồ gỗ độc đáo như: cuốn thư, hoành phi, câu đối, đại tự... từ thời Khải Định, Bảo Đại vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.
5. Hội làng An Cố
So với hàng trăm hội làng ở Thái Bình thì hội làng An Cố nay thuộc xã Thụy An, huyện Thái Thụy không có nét độc đáo về sự lệ và trò chơi, trò diễn nhưng có nét riêng là đình An Cố, nơi tổ chức hội làng còn giữ nguyên được nét kiến trúc thời Lê (đầu thế kỷ XVI) với nghệ thuật trang trí cổ kính được xếp vào loại kiến trúc cổ nhất hiện có ở Thái Bình. Đình An Cố hiện vẫn là viên ngọc quý trong các di sản kiến trúc văn hoá thời Lê Mạc của đất nước, là điểm đến của nhiều du khách và các nhà nghiên cứu văn hoá trong và ngoài nước.
Theo lệ xưa, hàng năm làng An Cố mở hội vào hai kỳ: Ngày 10 tháng 2 và ngày 15 tháng 11 để tưởng niệm ngày sinh, ngày hóa của Thành hoàng.
Ông được dân làng An Cố thờ phụng với tên hiệu Nam Hải đại vương. Mở đầu hội là đám rước Thành hoàng từ miếu ra đình. Tế thần ở An Cố có nét riêng, đó là 24 người chầu tế, mũ đa, đi hia, áo giáp, tay cầm gươm chỉ xuống đất. Lễ vật tế Thành hoàng do các giáp lo liệu, tế xong tất cả đều thụ lộc.
6. Hội chùa Thiên Quý
Chùa Thiên Quý hay còn gọi là Chùa Kênh là kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Chùa được xây dựng vào cuối đời Lý dầu đời Trần đã nhiều lần trùng tu nâng cấp qua nhiều niên đại đến nay chùa vẫn giữ nguyên dấu tích cốt cách.Chùa Thiên Quý có hệ thống tượng Pháp đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu là tượng thập điện Diêm Vương, thập bát La Hán. Nghệ thuật kiến trúc qua các vì kèo, mảng cốn và hệ thống Tượng Pháp thể hiện rõ tính đặc sắc trong nghệ thuật đắp tượng và trang trí mĩ thuật.
Lễ hội chùa Thiên Quý mở vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm đã trở thành truyền thống nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi gia đình được an khang thịnh vượng, phú quý bình an. Lễ hội còn là dịp để nhân dân và tín đồ phật tử ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng, cùng nhau chung tay gìn giữ, phát huy những tinh hoa văn hóa và tôn vinh bản sắc dân tộc. Lễ rước sắc phong và anh linh thành hoàng của 5 làng trong quần thể di tích lịch sử trong buổi khai hội và lễ dâng hương, tế thánh, biểu diễn nghệ thuật đã thu hút hàng ngàn du khách thập phương, tín đồ phật tử. Trong ba ngày lễ hội, du khách còn được tham gia, thưởng thức các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao như múa tứ linh; múa rồng; thả đèn trời; chơi cờ tướng, kéo co, chọi gà, bóng chuyền...
7. Lễ hội đền A Sào
A Sào từng là Thái ấp của Phụng Càn Vương - Yên Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ Quốc Công - Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng có công lớn trong việc khai ân, kiến tạo, sáng lập nên một vương triều hùng cường, thịnh trị trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Lễ hội đền A Sào với phần lễ diễn ra với lễ rước bộ truyền thống, lễ cáo yết, lễ tế, dâng hương Đức Thánh Trần... Phần hội diễn ra với các cuộc thi pháo đất, đấu bóng chuyền, đấu cờ tướng, kéo co...Lễ hội A Sào là dịp để nhân dân trong huyện và khách gần xa tới hành lễ dâng hương, chiêm ngưỡng thắng cảnh, tưởng nhớ tri ân Đức Thánh Trần có công hộ quốc, an dân. Đồng thời, người dân địa phương và du khách có cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống đặc trưng của nền văn minh lúa nước châu thổ Sông Hồng...