10 món ngon không thể bỏ qua tại Phượng Hoàng Cổ Trấn
Phượng Hoàng Cổ Trấn là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn ở Trung Quốc, từ lâu đã nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo của những đền chùa cổ, những ngôi nhà rêu phong và mái ngói âm dương. Không chỉ vậy, Phượng Hoàng Cổ Trấn còn nổi tiếng với nền ẩm thực vô cùng phong phú và độc đáo. Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn 10 món ngon độc đáo nhất mà bạn nên thử nếu có dịp tới đây.
Xem thêm:
- Lẩu cá cay
Vì khí hậu ở Phượng Hoàng Cổ Trấn khá lạnh nên các món ăn ở đây hầu như đều rất cay để có thể làm ấm bụng. Và một trong số đó chính là món lẩu cá cay, món ăn này đối với những “tín đồ ăn cay” thì nhất định không dứt ra được! Đặc sản này chế biến từ loài cá được đánh bắt từ con sông Đà Giang ngay thị trấn và được chế biến ngay khi vừa được bắt, nên vẫn giữ nguyên được vị ngọt, thịt rất dai và bùi. Một nồi lẩu cá cay cho 2 người ăn ở Phượng Hoàng Cổ Trấn có giá khoảng 60-90 tệ. Bạn có thể gọi thêm rau xào để ăn cùng với lẩu. Không giống như ở Việt Nam, khi ăn lẩu, chúng ta thường ăn kèm với mì, bún, phở… nhưng ở Phượng Hoàng Cổ Trấn, lẩu cá cay sẽ được ăn kèm với cơm trắng.
- Cơm ống tre
Nếu ở các vùng núi Việt Nam có cơm lam thì Phượng Hoàng Cổ Trấn của Trung Quốc có món cơm ống tre. Món này khá giống cơm lam Việt Nam nhưng nhiều nguyên liệu hơn. Các nguyên liệu được cho vào một ống tre rồi đem hấp. Cơm ống tre ở đây thường có thêm xá xíu hoặc ngô. Cơm có mùi rất thơm, xen lẫn là mùi thanh thanh của ống tre, rất đặc biệt, có thể gây nghiện cho bạn đó!
- Đậu phụ thối
Đến Trung Quốc thì nhất định phải thử đậu phụ thối, đặc biệt là đậu phụ thối hỏa cung điện tại Phượng Hoàng Cổ Trấn, Hồ Nam. Quá trình để có những miếng đậu phụ thối hỏa cung điện “đen như mực, non như pho mát và mềm như nhung” này khá dài.
Bình thường đậu phụ thối chỉ cần ngâm trong nước muối từ 5-10 ngày, còn đậu phụ Hồ Nam lại được ủ đến 15 ngày. Do thời gian ủ dài hơn mà món đậu phụ thối này trở nên thơm bùi và béo ngậy hơn. Tuy nhiên, so với cách làm đậu phụ khá kỳ công thì gia vị để chế biến món đậu phụ này lại khá đơn giản, chỉ gồm nước sốt làm từ đậu tương. Đậu phụ được chiên giòn bằng dầu cây trà trên lửa nhỏ, rồi cho thêm dầu mè và sốt tương ớt. Đây là món ăn ở Phượng Hoàng Cổ Trấn khiến các du khách nước ngoài khá ngại ngùng khi thưởng thức nhưng một khi đã ăn rồi lại nhớ mãi.
- Mì
Món mì ở Phượng Hoàng Cổ Trấn rất được biệt, bao gồm nhiều loại: mì sủi cảo, mì hoành thánh và mì sợi. Do đó, khi gọi món, để không bị nhầm lẫn, bạn nên gọi đích danh món mì mà mình muốn ăn. Trong số các loại mì ở đây, mì xách bò được nhiều người yêu thích nhất bởi hương vị thuyệt vời của nó. Nước dùng mì rất ngon, khi ăn vị vừa lạ vừa quen.
- Vịt hầm tiết, gạo nếp
Món này lại có cách chế biến hơi cầu kỳ một chút vì vậy nên cũng rất độc đáo và ngon lạ. Đầu tiên, ngâm gạo nếp trong nước rồi đổ vào bát. Sau đó, trộn đều gạo với tiết, hấp cách thủy và cắt thành nhiều miếng trước khi chiên. Vừa chiên gạo, người ta sẽ vừa hầm vịt. Khi vịt đã nhừ, gạo vừa chiên xong sẽ được nhồi vào trong, nêm nếm gia vị rồi hầm thêm một lúc nữa cho tới khi vịt chuyển thành màu vàng nhạt, ăn vào sẽ có vị béo ngậy của thịt và thơm lừng của gạo chiên.
- Củ cải muối
Ở Việt Nam cũng có không ít món củ cải muối, nhưng tại Phượng Hoàng cổ trấn lại có một nét riêng trong hương vị của món ăn này. Mỗi gia đình trong trấn đều có cách muối riêng và công thức đó chỉ truyền lại cho người trong gia đình. Mặc dù vậy, món củ cải muối ở Phượng Hoàng Cổ Trấn vẫn có điểm chung trong hương vị là: ngọt, chua thành, thơm và chút cay cay.
- Canh đậu hũ dưa muối
Đây là món ăn truyền thống của người dân tộc Miêu. Họ thường chọn bắp cải hoặc củ cải để muối dưa. Trước khi muối, rau củ phải được phơi khô khoảng 2 ngày cho tới khi chuyển màu vàng, thái rau thành từng miếng nhỏ rồi đem muối. Khác với dưa muối ở Việt Nam, nước muối dưa ở đây là nước gạo đun sôi pha muối. Sau khi dưa muối chín sẽ được đem nấu cùng đậu hũ, hành củ, ớt đỏ và một vài gia vị khác. Món canh này có màu vàng nhạt, vị chua nhè nhẹ và sẽ khiến bạn yêu thích ngay từ lần thử đầu tiên.
- Cá muối của người dân tộc Miêu
Cá Muối là một trong những món ăn truyền thống của người Miêu ở Phượng Hoàng Cổ Trấn. Loại cá dùng chế biến món này thường được nuôi trong ruộng lúa, đến thời điểm thích hợp thì được thu hoạch, sơ chế rồi đem muối trong muối biển, tiêu và dung dịch đặc biệt khoảng 3 ngày. Sau đó, họ nhồi gạo nếp, ngô ngọt vào cá rồi tiếp tục muối cá trong nửa tháng nữa. Chính vì được chế biến cầu kì như vậy nên món cá này có hương vị cực kỳ đặc biệt khó quên, cả thịt lẫn xương đều mềm và ngọt.
- Kẹo gừng
Kẹo gừng là món ăn vặt thường thấy ở Phượng Hoàng Cổ Trấn, nơi đây đã có truyền thống làm kẹo gừng hơn 100 năm. Toàn bộ quá trình làm kẹo gừng đều là thủ công. Nguyên liệu để làm ra món kẹo khá giống cách làm các loại kẹo lạc đường cổ truyền Việt Nam, họ cũng chọn đường trắng, gừng, đường nâu và vừng để làm kẹo. Món kẹo đơn giản này không chỉ thơm ngon mà còn giúp bạn ấm bụng hơn cũng như ngăn ngừa cảm lạnh. Bạn cũng có thể mua đặc sản Phượng Hoàng Cổ Trấn này về làm quà cho mọi người nữa nhé.
- Các món ăn đường phố
Nếu như xem các phim cổ trang Trung Quốc, chắc hẳn bạn rất tò mò về hương vị các loại món ăn đường phố nơi đây và tự hỏi không biết thời hiện đại có còn bán hay không.
Đừng lo, khi dạo quanh các con đường tại Phường Hoàng cổ trấn, bạn sẽ rất dễ dàng ngửi thấy mùi thơm từ những gánh hàng ăn. Lúc này, bạn có thể mua vài xiên kẹo hồ lô, cá viên, xiên cua nướng, vài cái bánh tép… hoặc ghé gánh hàng hoa quả tươi, chúng được cắt gọt sẵn để bạn thường thức, giá cũng rất rẻ, chỉ khoảng 10 tệ/kg.
Nếu vừa ngắm cảnh, vừa thưởng thức những món ngon ở Phượng Hoàng Cổ Trấn này, chuyến đi của bạn sẽ rất tuyệt vời đấy!